Diễn biến Chiến_dịch_Vitebsk-Orsha

Bao vây và tiêu diệt cụm quân Đức tại Vitebsk

Chiến sự tại Vitebsk, ngày 22-27 tháng 6 năm 1944.

Các hoạt động bao vây và tiêu diệt cánh quân Đức tại Vitebsk được thực hiện bởi các tập đoàn quân 6 (cận vệ) và 43 trên cánh trái của Phương diện quân Pribaltic 1 phối hợp với các tập đoàn quân 5 và 39 ở cánh phải của Phương diện quân Byelorussia 3. Kế hoạch tấn công cũng dự kiến sử dụng Quân đoàn xe tăng 1 làm lực lượng đột kích trong dải tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 6. Mật độ pháo binh được tăng cao. Trên 1 km chính diện tấn công của các tập đoàn quân 43 và cận vệ 6 đã bố trí 165 khẩu pháo, 37 súng cối 81 mm, 28 súng cối 120 mm. Ngoài ra còn có 69 dàn hỏa tiễn Katyusha. Toàn bộ 3 trung đoàn máy bay cường kích, Sư đoàn máy bay tiêm kích cận vệ 5 và Sư đoàn máy bay ném bom 314 được huy động để yểm hộ cho cuộc tấn công. Trong đó, Trung đoàn 332 yểm hộ cho Tập đoàn quân 43, Trung đoàn 335 yểm hộ cho Tập đoàn quân cận vệ 6, Trung đoàn 211 yểm hộ cho các tập đoàn quân 5 và 39. Sư đoàn 314 tổ chức oanh tạc tuyến phòng thủ thứ hai của quân Đức và hỗ trợ Quân đoàn xe tăng 1. Kế hoạch của Tập đoàn quân không quân 3 (Liên Xô) cấm các máy bay ném bom oanh tạc nội đô Vitebsk. Ngày 22 tháng 6, các sư đoàn Liên Xô trên tuyến đầu tiến hành trinh sát chiến đấu để xác định lần cuối cùng các mục tiêu trọng yếu trên tuyến phòng thủ của quân Đức.[7][14][15]

Sư đoàn bộ binh 158 (Liên Xô) tấn công đánh chiến nhà ga Vitebsk

5 giờ sáng ngày 23 tháng 6, hơn 3.500 khẩu pháo, súng cối và các dàn hỏa tiễn của 4 tập đoàn quân Liên Xô đã dựng một bức tường lửa dài hơn 150 km, sâu từ 1 đến 10 km trên dọc tuyến phòng thủ của quân Đức từ Sirotino đến phía Nam Vitebsk. Ngay từ những loạt đạn đầu tiên, pháo binh Đức đã bị chế áp và bắn trả yếu ớt. Một chiếc trinh sát Henken của không quân Đức bay lượn trên khu vực tiền duyên để quan sát nhưng đã bị các máy bay Yak-3 bắn rơi.[15] 7 giờ 00, các tập đoàn quân Liên Xô bắt đầu tấn công. Trên cánh Bắc Vitebsk, Quân đoàn bộ binh cận vệ 2 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 6 (Liên Xô) nhanh chóng bẻ gãy sức kháng cự của Sư đoàn bộ binh 87 (Đức) và tràn sang phía Tây, Quân đoàn xe tăng 1 (Liên Xô) kéo theo Quân đoàn bộ binh cận vệ 23 đã đột phá đến bờ sông Luchesa. Các quân đoàn 1 và 92 của Tập đoàn quân 43 có các lữ đoàn xe tăng cận vệ 10 và 39 dẫn đầu sau khi đánh chiếm các cứ điểm Shumilino và Rylkov (???) cũng vọt tiến ra tuyến sông Tây Dvina. Tuyến phòng thủ của Sư đoàn bộ binh 95 (Dức) bị tan vỡ chỉ sau 5 giờ tấn công. Đến cuối ngày tấn công đầu tiên, cửa đột phá được các tập đoàn quân 43 và cận vệ 6 mở ra ở phía Bắc Vitebsk đã rộng đến 20 km, sâu 8 đến 10 km. Riêng Quân đoàn xe tăng 1 đã vượt sông Tây Dvina, đánh chiếm thị trấn Ulla (Ula) bên bờ con sông cũng tên.[16]

Nguyên soái A. M. Vasilevsky, đại tướng I. D. Cherniakhovsky, trung tướng V. E. Makarov thẩm vấn tướng Friedrich Gollwitzer và tướng Alfons Hitter

Ở phía Nam Vitebsk, mặc dù phải vượt sông Luchesa nhưng Tập đoàn quân 5 và Cụm kỵ binh cơ giới của tướng N. S. Oslikovsky đã nhanh chóng cắt đứt đường sắt Vitebsk - Orsha ở phía Nam thành phố, đánh chiếm thị trấn - nhà ga Bogushevsk. Nhận thấy "cái chảo" ở Vitebsk đang hình thành, Nguyên soái A. M. Vasilevsky yêu cầu tướng N. S. Oslikovsky tăng tốc độ tấn công để đánh chiếm Senno trong ngày 24 tháng 6, ngăn chặn quân Đức từ Novo Byalitsa (Novaya Belitsa) và Tolochin kéo lên cứu viện. Tập đoàn quân 5 được lệnh đưa Quân đoàn bộ binh 45 từ thê đội 2 vào cửa đột phá, sử dụng toàn bộ xe tăng của tập đoàn quân tổ chức tấn công lên phía Bắc để nhanh chóng khép vòng vây. Tập đoàn quân 39 được lệnh tăng cường sức ép ở Đông Bắc Vitebsk, cầm chân Quân đoàn bộ binh 53 của Tập đoàn quân xe tăng 3 tại Vitebsk càng lâu càng tốt.[17]

Ngày 24 tháng 6, các binh đoàn của 4 tập đoàn quân Liên Xô tiếp tục tấn công theo đúng lộ trình đã vạch ra. Ở phía Bắc Vitebsk Tập đoàn quân cận vệ 6 đã vượt sông Ulla tiến về Lepen nhưng tốc độ tấn công bị chậm lại do phải khắc phục các bãi lầy trên khu vực phía Bắc Chashniki. Quân đoàn xe tăng 1 từ bàn đạp Ulla hướng mũi đột kích sang phía Tây, đánh chiếm thị trấn Ushachi. Tập đoàn quân 43 đánh chiếm các thị trấn Beshenkovichi. Quân đoàn 60 được đưa từ thê đội 2 vào chiến đấu đã hướng mũi tấn công về thị trấn Gnedilovichi, đầu mối giao thông quan trọng trên tuyến đường bộ Vitebsk - Lepen. Ở phía Nam, Cụm kỵ binh cơ giới của tướng N. S. Oslykovsky đã vọt tiến qua Senno, cắt đứt con đường sắt Orsha - Lepen. Tập đoàn quân 39 bắt đầu tổ chức vượt sông Luchesa ở sát phía Nam Vitebsk. Tập đoàn quân 5 hướng đòn tấn công về Gnedilovichi. Đến cuối ngày 24 tháng 6, quân Đức chỉ còn giữ được một hành lang hẹp rộng không quá 20 km ở phía Tây Vitebsk. Gần như toàn bộ Quân đoàn 53 (Đức) đóng tại Vitebsk đã rơi vào một "cái túi" tác chiến nguy hiểm.[18]

Trong khi chủ lực Quân đoàn bộ binh 53 (Đức) đang lo đối phó với Tập đoàn quân 39 (Liên Xô) ở phía Đông Vitebsk thì chống chọi lại với 4 quân đoàn bộ binh và 4 lữ đoàn xe tăng Liên Xô tại thị trấn Gnedilovichi chỉ còn trơ trọi Sư đoàn bộ binh 246 (Đức). Tướng Friedrich Gollwitzer đã điều Trung đoàn cơ giới 9 và Tiểu đoàn 3 của Lữ đoàn pháo tự hành 281 từ Vitebsk tiến ra khai thông con lộ ở Gnedilovichi. Song, tất cả đã quá muộn, xế chiều ngày 25 tháng 6, Sư đoàn bộ binh 246 bị đánh tan, Trung đoàn cơ giới 9 và Tiểu đoàn 3 pháo tự hành (Đức) bị thiệt hại nặng và phải bỏ chạy về Vitebsk. Quân đoàn bộ binh 60 (Tập đoàn quân 43) và quân đoàn bộ binh 45 (Tập đoàn quân 5) đã khép vòng vây tại Gnedilovichi. "Cái túi" Vitebsk đã biến thành một "cái chảo". Ở hai bên sườn phía Bắc và phía Nam tuyến Vitebsk - Lepen, các tập đoàn quân Liên Xô đã đột phá sâu hơn sang phía Tây. Tập đoàn quân cận vệ 6 sau khi đánh chiếm Lepen đã áp sát tuyến phòng thủ thứ hai của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) trên thượng nguồn sông Berezina. Cánh trái của Tập đoàn quân 5 (hai quân đoàn bộ binh) và Cụm kỵ binh cơ giới của tướng N. S. Oslykovsky đã tiến đến khu đầm lầy quanh hồ Lukomlskoye và đánh chiếm thị trấn cùng tên (Novalukoml). Riêng Quân đoàn xe tăng 1 phải tạm dừng tấn công sau khi đánh chiếm thị trấn Ushachi do mũi tấn công của Tập đoàn quân xung kích 4 (Liên Xô) không vượt qua được tuyến phòng thủ của Quân đoàn bộ binh 1 (Đức) ở Đông Bắc Polotsk.[19]

Không đợi đến ngày hôm sau, chiều 25 tháng 6, Tập đoàn quân 39 và các quân đoàn bộ binh 60 (Tập đoàn quân 43), 45 (Tập đoàn quân 5) bắt đầu các trận đánh để tiêu diệt cụm quân Đức tại Vitebsk. Tướng Friedrich Gollwitzer không hề hay biết về việc quân đoàn của ông ta đã bị bao vây và cho rút quân về ngoại ô Tây Nam Vitebsk với hi vọng con đường sắt Vitebsk - Orsha vẫn nằm trong tay quân Đức. Đêm 25 tháng 6, Tập đoàn quân 39 bắt đầu đột kích vào trung tâm thành phố, quân Đức đã đặt mìn để phá cây cầu chung (đường sắt - đường bộ) lớn nhất thành phố Vitebsk nhằm ngăn cản quân đội Liên Xô tấn công. 300 kg thuốc nổ đã được cài sẵn vào các mố trụ cầu và công binh Đức chỉ chờ xe tăng Liên Xô lên cầu để khai hỏa. Trung sĩ công binh Fyodor Kalashnikovich Blokhin cùng hạ sĩ Mikhail Kuznetsov đem theo 12 trinh sát của Trung đoàn bộ binh 875 (Sư đoàn bộ binh 158 thuộc Tập đoàn quân 39) đã bất ngờ tập kích nhóm công binh Đức. Trong khi hạ sĩ Mikhail Kuznetsov cắt dây điện thì trung sĩ F. K. Blokhin lao vào rút kíp nổ ra khỏi khối mìn. Cây cầu được bảo vệ và Lữ đoàn xe tăng cận vệ 28 đã tiến qua cây cầu này vào giải phóng Vitebsk.[17]

Chiều ngày 25 tháng 6, sư đoàn bộ binh thuộc không quân số 4 (Đức) bị tiêu diệt, và đến ngày hôm sau các sư đoàn bộ binh số 246 và sư đoàn bộ binh thuộc không quân số 6 (Đức) trong quá trình chạy thoát khỏi Vitebsk đã bị chặn đứng và bao vây. Hitler tiếp tục yêu cầu quân Đức bám trụ thành phố bất chấp thực tế mọi thứ đã không còn khả năng cứu vãn[20], tuy nhiên đến chiều ngày 26 tháng 6 tướng Gollwitzer - tư lệnh quân đoàn số 53 - đã ra lệnh phá vây khỏi Vitebsk trái với yêu cầu của Hitler. Có điều, tất cả đã quá muộn. Tính đến ngày 27 tháng 6 quân đoàn bộ binh số 53 gần như đã biến mất khỏi chiến trường với gần 30.000 người bị giết và bắt làm tù binh. Một nhóm vài nghìn lính Đức thuộc sư đoàn bộ binh thuộc không quân số 4 tìm cách chạy thoát khỏi vòng vây nhưng đã bị tiêu diệt sạch tại một khu rừng phía Tây Vitebsk.[21] Tàn quân của quân đoàn bộ binh số 9 bỏ chạy về phía Polotsk trong khi tập đoàn quân cận vệ số 6 (Liên Xô) đang truy kích sát nút ở phía sau. Quân đoàn bộ binh số 6 cũng gần như bị tiêu diệt toàn bộ. Chỉ trong vòng vài ngày, Tập đoàn quân thiết giáp số 3 của Đức đã bị đánh cho tan tác và phòng tuyến quân Đức bị thủng một lỗ lớn ngay tại phía Bắc của Tập đoàn quân số 4 và tại vị trí cũ của quân đoàn bộ binh số 6.[7]

Chiếu 27 tháng 6, trên cánh đồng cỏ và trong các khu rừng ở ngoại ô phía Tây Nam Vitebsk, 3.250 sĩ quan và binh lính Đức còn sống sót của Quân đoàn bộ binh 53 kéo cờ trắng đầu hàng quân đội Liên Xô. Cùng bị bắt với họ có tướng Friedrich Gollwitzer, Tư lệnh quân đoàn 53, tướng Alfons Hitter, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 206, đại tá Hans Schmidt, tham mưu trưởng Quân đoàn 53 cùng hai viên tướng hàng trăm sĩ quan cấp tá và cấp úy. Một cuộc hỏi cung các viên tướng Đức đã được tổ chức ngay tại trận địa do Nguyên soái A. M. Vasilevsky, đại diện STAVKA chủ trì, có sự tham gia của đại tướng I. D. Cherniakhovsky, tư lệnh Phương diện quân Byelorusia 3, trung tướng V. E. Makarov, Ủy viên Hội đồng quân sự Phương diện quân Byelorussia 3 và một số sĩ quan tùy tùng Liên Xô.[22][23]

Giải phóng Orsha

Do vị trí trọng yếu của Orsha, quân đội Đức Quốc xã đã biến thành phố này thành một cụm cứ điểm cực mạnh do Sư đoàn bộ binh 78 chống giữ và được yểm hộ sườn phía Nam bởi Sư đoàn bộ binh xung kích 25. Để đột phá tuyến phòng thủ dày đặc của quân Đức tại đây, quân đội Liên Xô đã triển khai nhiều đơn vị công binh trang bị nặng nhằm tăng cường cho các mũi đột phá. Ngày 23 tháng 6 năm 1944, Tập đoàn quân cận vệ số 11 (Liên Xô) mở màn cuộc tấn công nhưng trước sức kháng cự quyết liệt của quân Đức đã không thu được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, ngày hôm sau, Sư đoàn bộ binh cận vệ 1 đã đột phá được phòng tuyến quân Đức tại một địa đoạn hẹp ở khu vực đầm lầy phía Bắc cụm Orsha của Sư đoàn bộ binh 78 (Đức), buộc lực lượng này phải triệt thoái về tuyến phòng thủ Hessen ở khu vực phòng thủ thứ 3. Đột phá khẩu đã tạo một khoảng trống giữa Sư đoàn bộ binh 25 với Sư đoàn bộ binh số 78 của quân Đức. Sau khi có được thành quả này, đại tướng I. D. Chernyakhovsky đã tung Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 "Tatinskaya" vào cửa đột phá. Đến ngày 25 tháng 6, phòng tuyến của quân Đức bắt đầu tan vỡ; cuộc phản kích của phía Đức tại Orekhovsk (???) đã thất bại và không thể nào cứu vãn nổi tình hình.[24]

Trong thời gian đó, Quân đoàn bộ binh 6 của Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) đóng tại khu vực Bogushevsk - Shalatino, phía Bắc Orsha cũng đang trên đà sụp đổ trước sức tấn công của quân đội Liên Xô, và đe dọa nghiêm trọng đến thế trận của Quân đoàn bộ binh 27 đang phòng thủ trên khu vực từ Orsha đến Shklov (Shklou). Vào 11 giờ 20 phút sáng ngày 25 tháng 6, Quân đoàn bộ binh 6 (Đức) bị cắt đứt hoàn toàn khỏi Tập đoàn quân xe tăng 3. Thống chế Ernst Busch buộc phải đặt quân đoàn này dưới quyền chỉ huy của Thượng tướng Kurt von Tippelskirch, tư lệnh Tập đoàn quân 6.[25] Lực lượng dự bị còn lại của nó là Sư đoàn bộ binh cơ giới 14 được vội vã ném vào mặt trận để cản mũi tấn công của Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 (Liên Xô) tại phía Bắc Orsha. Tuy nhiên, những nỗ lực này của quân Đức chỉ như muối bỏ biển: đến đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 6, trận địa phòng thủ của Quân đoàn 6 (Đức) tại tuyến Hessen đã bị Tập đoàn quân cận vệ 11 (Liên Xô) đập tan, Quân đoàn bộ binh 6 (Đức) coi như bị xóa sổ. Tàn quân của nó bỏ chạy tán loạn về phía Borisov. Tướng Georg Pfeiffer, tư lệnh quân đoàn này đã mất liên lạc với các đơn vị của ông ta và sau đó tử trận ngày 28 tháng 6. Tối 26 tháng 6, Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 "Tatsinskaya" (Liên Xô) đã cắt đứt đường sắt và đường bộ Minsk - Orsha ở phía Tây Orsha 15 km.[26] Trước tình hình bị đe dọa bao vây, ngày 26 tháng 6, Sư đoàn bộ binh 78 (Đức) buộc phải bỏ Orsha tháo chạy, theo sau là các đơn vị tiên phong của Quân đoàn xe tăng cận vệ số 2 (Liên Xô) đang truy kích sát gót. Chiều ngày 27 tháng 6, Orsha được giải phóng.[27] Ở phía Nam Orsha. Quân đoàn bộ binh 27 (Đức) được lệnh phải giữ vững trận tuyến bằng mọi giá. Tuy nhiên, dù đã dùng đến lực lượng dự bị cuối cùng là Sư đoàn bộ binh 260 và sư đoàn cảnh vệ 286 nhưng trận tuyến của Quân đoàn này vẫn bị các Tập đoàn quân 33 và cánh bắc của Tập đoàn quân 49 (Liên Xô) đẩy lùi về tuyến sông Dniepr, sát Mogilev.[5]

Vấn đề trước mắt đối với Phương diện quân Byelorusia 3 là phải đẩy nhanh tốc độ đột phá, không cho quân Đức kịp định hình lại tuyến phòng thủ, đặc biệt là tuyến sông Berezina án ngữ phía Đông Minsk. Ngay trong ngày 27 tháng 6, Nguyên soái A. M. Vasilevsky ra lệnh cho tướng I. D. Cherniakhovsky tung Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của thượng tướng Pavel Alekseyevich Rotmistrov vào cửa đột phá. Nhưng không như thượng tướng P. A. Rosmitrov mong đợi. Theo kế hoạch của Đại bản doanh, Tập đoàn quân của ông không được đi trên con đường cao tốc Orsha - Minsk mà phải đi chếch lên phía Bắc Orsha khoảng 65 km, từ khu vực Bogucshevsk - Shalatino đánh thốc qua Kholopeniki về Borisov. Tướng P. A. Rosmitrov có lý do để bất bình với cách điều quân này, bởi lẽ những vùng đất mà Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 phải tiến qua chủ yếu là rừng và đầm lầy.[28] Tuy nhiên, đại tướng I. D. Cherniakhovsky đã giải thích cho vị tướng già thấy rõ hai điều trong kế hoạch của STAVKA. Một là làm như vậy để bao vây cánh quân Đức tại phía Đông Minsk chứ không phải để đuổi chúng về Minsk. Hai là STAVKA nhân được tin tình báo về việc Thống chế Ernst Busch đã bị cách chức và Thống chế Walter Model thay thế vị trí Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Walter Model được trao quyền điều động một số đơn vị đang ở hướng Tây Nam, trong đó có Sư đoàn xe tăng 5 đang đóng ở Kovel lên Minsk hợp lực với Quân đoàn xe tăng 39 để tiến hành phản công quân đội Liên Xô ở khu vực phía Đông Minsk mà trọng điểm là Borisov. Việc điều Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đi theo con đường lớn đến Minsk có thể làm lộ ý đồ của STAVKA. Tướng P. A. Rosmitrov chấp nhận chuyển quân đến hướng mới.[29]

Cuộc phản công Borisov của quân Đức thất bại

Thay thế thống chế Ernst Busch, thống chế Walter Model tiếp nhận một "bất động sản" đang trên đà sụp đổ nhưng lại được đích thân Adolf Hitler giao nhiệm vụ phải giữ được trận tuyến phía Tây Byelorussya bằng mọi giá. Walter Model được Tổng hành dinh lục quân Đức ở Đông Phổ trao quyền điều động nhiều sư đoàn của Cụm tập đoàn quân A sang khôi phục lại tình hình ở Byelorussia. Ngoài ba sư đoàn bộ binh và một sư đoàn cơ giới được điều tư Ba Lan sang, Walter Model còn điều động Sư đoàn kỵ binh 3 ở Pinsk và Sư đoàn xe tăng 5 từ Kovel. Sáng sớm 28 tháng 6, các sư đoàn xe tăng 7 và 18 (Đức) bắt đầu phản công từ Smolevichi lên Borisov. Đòn phản công bất ngờ của quân Đức đã chặn được Tập đoàn quân cận vệ 11 (Liên Xô) ở phía Bắc Borisov 5 km. Sáng 29 tháng 6, các trung đoàn xe tăng hạng nặng 25, 51, 118 và Trung đoàn pháo tự hành 78 (Đức) đã đánh bật Quân đoàn bộ binh cận vệ 36 (Liên Xô) về Krupki, cách Borisov 20 km về phía Tây.[4]

Tuy nhiên, cũng buổi sáng 29 tháng 6, Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 "Tatsinskaya" đã hành quân đến sông Berezina và lao vào cuộc tao ngộ chiến với Sư đoàn xe tăng 7 (Đức). Các trận đánh khốc liệt không thua kém trận Prokhorovka đã diễn ra trên hai bờ sông Berezina. Đến 13 giờ chiều, khi bốn lữ đoàn xe tăng đầu tiên của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 kéo tới nơi thì thế trận đã ngã ngũ. Không chống nổi ba quân đoàn xe tăng Liên Xô. Các sư đoàn xe tăng Đức chia làm hai cánh bỏ chạy tháo thân. Sư đoàn xe tăng 7 đã ở bờ Đông sông Berezina bỏ chạy về Ozdyatichi (???). Tại đây, sư đoàn này tiếp tục bị Quân đoàn xe tăng 29 (Liên Xô) đuổi đánh, buộc vượt sông Berezina tại khoảng nước nông ở phía Bắc Chernyavkava và bỏ lại hầu hết xe tăng trên bờ Đông. Sư đoàn xe tăng 18 phòng thủ ở phía Tây sông Berezina bị Quân đoàn xe tăng cận vệ 3 đánh bật về Smolevichi và tiếp tục buộc phải lùi sâu xuống phía Nam đường sắt Minsk - Borisov.[28]

Chỉ trong hai ngày, đòn phản kích của Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) bị đập tan. Chiếm được Borisov, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 (Liên Xô) lao nhanh về Minsk, bỏ lại phía sau tàn quân của Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) cùng tàn quân của các sư đoàn Đức ở phía Orsha, Mogilev rút về trong một cái chảo lớn ở phía Tây Nam Minsk.[30] Mất Borisov, quân Đức không chỉ mất một cứ điểm then chốt để phòng thủ Minsk từ hướng Đông Bắc mà còn mất luôn cây cầu gỗ có trọng tải lớn bắc qua sông Berezina. Chiều ngày 29 tháng 6, trước khi rút lui, quân Đức đã cố gắng phá hủy cây cầu bằng cả pháo mặt đất và pháo tăng nhưng Lữ đoàn xe tăng 25 thuộc Quân đoàn xe tăng 29 (Liên Xô) đã vượt qua cây cầu sang bờ Tây sông Berezina, phá hủy các khẩu pháo và đánh lùi các xe tăng Đức. Ngay sau đó, 12 chiếc Ju-87 được Tập đoàn quân không quân 6 (Đức) huy động để phá cây cầu này nhưng đã gặp phải hàng rào máy bay tiêm kích của Sư đoàn không quân 278 (Liên Xô) do Đại tá Konstantin Dmitryevich Orlov chỉ huy, 8 chiếc Ju-87 bị bắn rơi trên hai bờ sông Berezina. Cây cầu chiến lược tại Borisov còn nguyên vẹn đã lọt vào tay quân đội Liên Xô.[31]